THÀNH TỰU
Việt Nam – Quốc gia hơn 3,300 km bờ biển, nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là con đường chiến lược của giao thương quốc tế… Vì vậy, phát triển kinh tế biển là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Sau sự kiện thành phố Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1, Nghị quyết 43/NQ-BCT năm 2019 của Bộ Chính trị với chủ trương xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố Cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. |
Nằm trong vịnh Đà Nẵng với diện tích hơn 100km2, được che chắn bởi Núi Hải Vân và Bán Đảo Sơn Trà với đê chắn sóng dài 450m, cùng hệ thống giao thông kết nối liền mạch và thuận tiện tới sân bay, nhà ga xe lửa, các khu công nghiệp và đường quốc lộ, thuận tiện cho hoạt động vận tải hàng hóa tới khắp các vùng trong cả nước. Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ ra Thái Bình Dương của Hành lang Kinh tế Đông Tây – Tuyến đường dài 1.450 km, bắt đầu từ Mawlamyine, Myanmar tới Danang, Vietnam.Với lịch sử hơn 120 năm hình thành và phát triển, Cảng Đà Nẵng hiện là Cảng biển container lớn nhất miền Trung hiện nay, sở hữu gần 1.700m cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4000 Teus và tàu khách đến 170.000 GRT, cùng với các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại. |
Từ năm 2015 đến nay, Cảng Đà Nẵng đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị mới, đẩy mạnh công tác tiếp thị, đặc biệt là tập trung mở rộng vùng hậu phương lên vùng các tỉnh qua tuyến Hành lang Kinh Tế Đông Tây (EWEC), nơi có tiềm năng hàng hóa tăng trưởng vượt bậc trong tương lai, với những nhà máy quy mô lớn, hứa hẹn mang lại sản lượng tăng trưởng bề vững cho Cảng Đà Nẵng. Bên cạnh đó, với lợi thế Cảng biển nước sâu và là trung tâm của các di sản văn hóa thế giới tại miền Trung cùng với việc chăm sóc, tiếp đón tàu và khách du lịch chu đáo, an toàn, Cảng đã thu hút nhiều tàu khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận tăng lên đáng kể. |
Đặc biệt, giai đoạn 2019-2021 các giải pháp về Số hóa trong Doanh nghiệp không ngừng được đẩy mạnh, mang đến sự chủ động trong công tác phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc. Sự ra đời của Eport là một bước tiến đột phá, thay đổi thói quen của người dùng, rút gắn thời gian làm thủ tục, tối ưu hóa chi phí logistics. Cảng Đà Nẵng hoàn toàn thay đổi diện mạo khi ứng dụng cảng điện tử vào sản xuất, mang đến trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, và gần như 100% dịch vụ container, khách hàng đều thực hiện trực tuyến qua mạng. Phần mềm Cảng điện tử ePORT và cổng container thông minh Smartgate đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 16 (2020-2021) và đạt giải ba Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2021. |
Song song với việc đẩy mạnh Số hóa trong doanh nghiệp, Cảng Đà Nẵng đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số công đoạn như cổng container tự động, xe container giao nhận vào ra cảng không dừng. Hệ thống tự động nhận dạng số container và ghi nhận tình trạng container bằng camera được triển khai tại các trạm xuất nhập tàu và tại cổng ra vào, hướng đến tự động hóa hoàn toàn quy trình giao nhận hàng tại cổng, quản trị tổng thể theo dữ liệu tập trung, liên thông các đơn vị, phòng ban. |
Thương hiệu Cảng được xây dựng và phát triển không ngừng, dần dần xác lập uy tín trong ngành Hàng hải Việt Nam và khu vực. Đây là tài sản vô hình quý giá, là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi. Lượng hàng qua cảng Đà Nẵng không ngừng tăng lên: nếu năm 2015, sản lượng hàng hoá container thông qua Cảng Đà Nẵng đạt 258.000 Teus thì kể từ năm 2019, Cảng Đà Nẵng bắt đầu thay đổi cả về chất và lượng nên đã có sự đột phá ngoạn mục với mức tăng trưởng hàng container các năm đều đạt trên 2 con số, đến tháng 11/2020 đã đạt mốc nửa triệu teus, trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Cảng Đà Nẵng. Tiếp đà tăng trưởng đó, Cảng Đà Nẵng khép lại năm 2020 với hơn 555.000 teus. Kết thúc năm 2022, tuy vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản lượng container đã đạt 650.000 teus, doanh thu tăng 11%, lợi nhuận tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. |
Các Cảng lớn hàng đầu thế giới ngày nay đều chọn dịch vụ Container là mục tiêu hàng đầu và khuynh hướng container hóa cảng biển đang là xu thế của thời đại. Sớm nắm bắt xu hướng đó, Cảng Đà Nẵng không ngừng đầu tư mở rộng cầu tàu, bãi và hiện đại hóa để thích nghi hơn với tàu container. Cảng đã hoàn thành dự án mở rộng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, hoàn thiện năng lực dự án khu kho bãi hậu cần, hoàn thiện bộ máy quản lý và điều hành khai thác cảng bằng việc xây dựng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Đồng thời, tập trung nguồn lực để triển khai 02 Dự án trọng điểm, gồm Dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu- giai đoạn khởi động và Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics tại Huyện Hòa Vang, rộng 20ha. Đây là Trung tâm Logistics đầu tiên của thành phố Đà Nẵng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Cảng Đà Nẵng đồng hành cùng Thành phố thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vào quá trình phát triển ngành dịch vụ Logistics tại thành phố Đà Nẵng. |

Với chủ trương lấy năng suất và chất lượng dịch vụ làm chính sách chất lượng hàng đầu của doanh nghiệp và thông điệp Lấy Khách hàng làm trung tâm, thông qua các giải pháp hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật; đơn giản hóa thủ tục giao nhận; tăng cường phối hợp trong nội bộ Cảng cũng như với các đơn vị liên quan ngoài Cảng; kích thích người lao động bằng quy chế trả lương hợp lý; cơ giới hóa, tự động hóa quy trình sản xuất; … năng suất và chất lượng dịch vụ của Cảng Đà Nẵng không ngừng được nâng cao. Năng suất của một số mặt hàng tiêu biểu theo định mức bình quân năng suất bốc dỡ giải phóng tàu bình quân hàng năm tăng: Clinke tăng 28%, than tăng 18%, dăm gỗ tăng 38%, cát rời tăng 28%, ximăng bao tăng 16%, thép xây dựng tăng 16%, thép phế liệu tăng 33%, container tăng 20%… |
Kế hoạch An ninh cảng biển (PFSP) được thực thi, Cảng Đà Nẵng luôn đủ điều kiện để đảm bảo an toàn, thuận lợi, nhanh chóng cho tàu, hàng hóa, hành khách lưu lại và vào ra Cảng. Phiếu Thăm dò ý kiến khách hàng hằng năm đều cho thấy dịch vụ của Cảng được đánh giá năm sau tốt hơn năm trước. |
Để phù hợp với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Cảng Đà Nẵng đã từng bước đổi mới mô hình quản lý theo hướng tinh gọn, hoàn thiện cơ cấu bộ máy quản lý, tinh giảm lao động trên cơ sở từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa. Ngày 10/5/2008, Cảng Đà Nẵng chính thức hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên. Hiện nay, bộ máy hoạt động gồm 9 Phòng ban, 2 Trung tâm (Dịch vụ Khách hàng, Logistics) và Xí nghiệp Cảng Tiên Sa. Đồng thời, có thêm 2 Công ty Cổ phần có vốn góp, đó là: Công ty Cổ phần Logistics Cảng Đà Nẵng (Danalog), Công ty Cổ phần tàu lai Cảng Đà Nẵng. |
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yếu tố con người, công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được Lãnh đạo Cảng quan tâm đặc biệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ CBCNV để quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh theo phương pháp quản trị tiên tiến. Thường xuyên cử CBCNV đi học các khóa học trong và ngoài nước … Trong công tác tuyển dụng, Cảng ưu tiên thu hút những người trẻ có năng lực chuyên môn cao, thành thạo các kỹ năng. Nhờ vậy, chất lượng nguồn nhân lực của Cảng ngày càng cao. Các bộ phận quản lý, điều hành đã ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, từ khâu quản lý hàng hóa, lập sơ đồ chất xếp hàng, tác nghiệp điều động tàu cập, rời bến, trao đổi thông tin nghiệp vụ với khách hàng và thông tin nội bộ… Đến nay, Cảng Đà Nẵng đã áp dụng và tăng cường công tác quản lý Công ty theo hướng quản trị hiện đại: Tất cả các phòng ban, đơn vị đều được giao mục tiêu, nhiệm vụ (MBO – Management by Objectives) và các đơn vị quản trị cấp 2 giao mục tiêu nhiệm vụ cho cấp dưới theo quản trị tiến trình (MBP- Management by Process). Các cấp quản trị căn cứ vào tiêu chí SMART để thực hiện tiến trình P-D-C-A (Plan – Do – Check – Action: Xây dựng kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Điều chỉnh).Triển khai công tác đánh giá hiệu quả công việc theo KPI (Key Performance Indicators). Hướng đến việc trả lương theo hiệu quả công việc, đảm bảo chế độ công bằng trong công việc giúp phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ công nhân viên. Xây dựng văn hoá Doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện, đào tạo và đưa vào áp dụng Bộ Quy tắc Văn hoá Ứng xử COC (Code of Conduct) trong toàn Công ty. |
Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong các năm qua, Cảng Đà Nẵng vô cùng vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua cùng những danh hiệu, phần thưởng khác từ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Thêm vào đó, Cảng Đà Nẵng vinh dự được bình bầu là một trong năm doanh nghiệp uy tín ngành Logistics năm 2020 – Nhóm ngành: Khai thác cảng, 5 năm liền đạt danh hiệu “Doanh Nghiệp Vì Người Lao Động”, 5 năm liền đạt danh hiệu nằm trong top 100 Doanh Nghiệp Phát Triển do VCCI bình bầu, là Doanh nghiệp 6 năm liên tiếp đạt được Giải thưởng Doanh nghiệp bền vững và đặc biệt năm 2022 lọt vào Top 10 Doanh nghiệp tiêu biểu lĩnh vực Thương mại- Dịch vụ (CSI2022) |
Cập nhật Tháng 2_2023